Điện trở tiếp xúc
Khi hai vật dẫn tiếp xúc với nhau, thực tế chỉ có một số điểm tiếp xúc. Tại những điểm tiếp xúc này mật độ dòng điện tăng cao tổn hao năng lượng lớn nên sụt áp và nhiệt độ tại điểm tiếp xúc cao.
Nếu có lực ép lên tiếp điểm lớn, các điểm tiếp xúc này sẽ biến dạng dẻo và tạo ra các điểm tiếp xúc mới. Vì diện tích tiếp xúc thực tế bị thu nhỏ lại nên đường đi của dòng điện bị cong và dài ra do vậy làm cho điện trở tăng lên.
Diện tích tiếp xúc còn phụ thuộc vào lực ép lên trên tiếp điểm và vật liệu làm tiếp điểm, lực ép càng lớn thì diện tích tiếp xúc càng lớn.
Vậy điện trở tiếp xúc là điện trở do hiện tượng đường đi của dòng điện bị kéo dài tại chỗ tiếp xúc tạo nên.
Do vậy rõ ràng điện trở tiếp xúc của tiếp điểm ảnh hưởng đến chất lượng của thiết bị điện, điện trở tiếp xúc lớn làm cho tiếp điểm phát nóng.
Nếu phát nóng quá mức cho phép thì tiếp điểm sẽ bị nóng chảy, thậm chí bị hàn dính.
Trong các tiếp điểm thiết bị điện mong muốn điện trở tiếp xúc có giá trị càng nhỏ càng tốt, nhưng do thực tế có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến Rtx nên không thể giảm Rtx cực nhỏ được như mong muốn.
Các yếu tố ảnh hưởng điện trở tiếp xúc
– Vật liệu làm tiếp điểm:
Nếu vật liệu mềm thì dù áp suất có bé điện trở tiếp xúc cũng bé. Nói một cách khác, nếu khả năng chống dập nát được đặc trưng bằng S bé thì Rtx cũng bé. Do đó thường dùng vật liệu mềm để làm tiếp điểm hoặc dùng kim loại cứng mạ ngoài bằng kim loại mềm như: đồng thau mạ thiếc, thép mạ thiếc. Từ đó cũng đã phát triển tiếp điểm lưỡng kim loại: tiếp điểm loại cứng tiếp xúc với kim loại lỏng như thủy ngân.
– Lực ép tiếp điểm
Lực F tiếp điểm càng lớn thì điện trở tiếp xúc càng bé. Tuy nhiên lực ép tăng đến một giá trị nhất định nào đó thì điện trở tiếp xúc sẽ không giảm nữa.
– Hình dạng của tiếp điểm
– Diện tích tiếp xúc
– Mật độ dòng điện
– Tình trạng bề mặt tiếp xúc
– Nhiệt độ của tiếp điểm
– Độ bẩn, độ ẩm của môi trường xung quanh.