Đặt dây dẫn điện ngoài nhà

Dây dẫn điện ngoài nhà là dây tổng cung cấp điện cho toàn bộ nhà, có thể lắp đặt nổi hay ngầm. Phương pháp lắp đặt nổi thường dùng ở nhà có quy mô nhỏ như nhà phố, nhà liền kề,…Phương pháp lắp ngầm thường sử dụng trong các công trình lớn như bệnh viện, trường học, chung cư,…

Lắp dây điện đi nổi ngoài nhà

Điểm đầu phải đấu nối với đường dây trên không có sẵn của ngành điện (mạng điện công cộng), điểm cuối là tủ điện chính trên tầng 2 của ngôi nhà.

Để đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn Việt Nam quy định khoảng cách từ các bộ phận của nhà đến dây dẫn nổi đi ngoài nhà như sau:

  • Khoảng cách thẳng đứng từ dây đến mặt đất ≥ 2,75m.
  • Khoảng cách nằm ngang từ dây đến ban công ≥ 2,5m.
  • Khoảng cách nằm ngang từ dây đến cửa sổ ≥ 0,5m.
  • Khoảng cách thẳng đứng từ dây đến cửa sổ ≥ 0,75m.
  • Khoảng cách thẳng đứng từ dây đến ban công ≥ 1,00m.

Lắp dây điện ngầm ngoài nhà

Với những công trình lớn đều có máy biến áp riêng để cấp điện, do đó đường dây ngoài nhà nối từ trạm biến áp đến tủ điện tổng thường dùng cáp ngầm để đảm bảo an toàn, đảm bảo mỹ quan (nhưng giá thành xây dựng cao).

Có 2 phương pháp lắp đặt cáp ngầm:

  • Chôn trực tiếp trong đất (hào cáp) khi chôn trực tiếp trong đất thì cáp được luồn trong ống nhựa PVC, đoạn vượt qua đường thì luồn trong ống thép. Phía trên cáp ngầm có đặt lớp gạch đánh dấu tuyến cáp ngầm. Phía trên mặt đất, dọc theo đường cáp có đánh dấu mốc báo tuyến cáp ngầm.
  • Đặt trong mương cáp người ta xây tuyến mương cáp bằng gạch, phía trên có nắp bê tông. Dọc thành mương cáp người ta đặt các giá thép để đỡ cáp chạy dọc theo mương. Cáp đặt trong mương rất an toàn, dễ sửa chữa.

Đặt dây dẫn điện trong nhà bằng cách chôn ngầm

Chôn ngầm là phương pháp lắp đặt dây phổ biến nhất hiện nay vì nó đảm bảo mỹ quan, tiết kiệm không gian, tránh tác động của môi trường. Tuy nhiên có nhược điểm là chi phí lắp đặt cao, sửa chữa và khắc phục sự cố phức tạp, một số trường hợp không thể khắc phục được mà phải thay mới hoàn toàn.

Dây diện được chôn trực tiếp vào tường, sàn, dầm nhà hoặc sử dụng các ống nhựa luồn dây. Nên hạn chế việc chôn dây trực tiếp vì nguy cơ hư hỏng khá cao, thay vào đó là dùng các ống luồn dây chống cháy, chịu nhiệt.

Đi dây âm tường
Hình ảnh: Đi dây âm tường

Khi cần bẻ cong ống phải dùng lò xo uốn sao cho bán kính cong bằng 6-9 lần đường kính ống để thuận lợi cho việc kéo dây và thay thế dây sau này. Nếu muốn đi thẳng góc thì ngay góc vuông phải đặt box nối dây.

Chỗ rẽ nhánh 3 trở lên đều phải đặt các box (hộp nối) để tiện cho việc kéo dây và kiểm tra sau này. Không nối dây ở đoạn giữa ống, chỉ nối dây ở các hộp nối, hộp công tắc, hộp ổ cắm, hộp máng đèn.

– Nếu đặt ống trong sàn bê tông thì phải đặt ống sau khi đan xong lớp sắt sàn. Đặt ống giữa 2 lớp sắt sàn và hướng đi dây chọn theo hướng ngắn nhất. Các vị trí đặt hộp nối trong sàn phải đánh dấu bằng sơn trên cốt pha trước khi đổ bê tông.

– Dây điện đi trong phòng theo phương nằm ngang, cách trần nhà 30-40cm và thường lấy ranh giới màu trần và tường làm đường chôn ngầm dây điện, như vậy sẽ thuận lợi cho việc xác định vị trí dây.

Dây rẽ nhánh đến đèn, đến bảng công tắc đèn và đến ổ cắm đi thẳng đứng, xuất phát từ đường trục nằm ngang đến đúng đường tim bảng điện, công tắc, như vậy cũng dễ cho việc xác định vị trí các đường chôn ngầm thẳng đứng trong tường sau này.

Thi công dây ngầm trong tường thực hiện sau khi xây xong phần thô. Có nhiều phương pháp tạo rãnh đặt ống: Dùng búa để đục rãnh (thủ công), dùng cưa máy cắt rãnh sau đó đục theo rãnh, dùng thiết bị phay rãnh chuyên dụng.

Lưu ý trong các ống đặt dây phải để dây mồi, sau này dù phần xây dựng đã hoàn thiện việc, luồn dây vào trong ống phải sử dụng đến dây mồi.

Với đường cáp điện xuyên tầng ở các công trình lớn người ta luồn cáp trong các hộp kỹ thuật của công trình. Khi thi công xong, chỗ xuyên tầng phải có biện pháp chống cháy lan.

Đặt dây dẫn điện trong nhà bằng cách đi nổi

Đặt dây dẫn nổi bằng cách luồn dây điện trong các ống nhựa tròn hoặc dẹt và ốp lên bề mặt tường, trần nhà bằng kẹp ống hoặc đinh vít. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí thấp, dễ sửa chữa điện, dễ bổ sung, có thể thiết kế sau khi xây dựng cũng được. Nhược điểm là tính thẩm mỹ không cao, ảnh hưởng đến không gian sử dụng khi số lượng dây nhiều.

Dây dẫn thường đi theo các đường vuông góc với trần, tường. Nếu bố trí hộp nối thì dây dẫn nên cách trần 300-400, nếu không dùng hộp nối thì dây đi men theo các góc của tường và trần. Dây dẫn có thể lắp đặt sau khi nhà xây dựng hoàn thành.

Đi dây nổi
Hình ảnh: Đi dây nổi

Khi cần rẽ nhánh phải rẽ nhánh vuông góc trong các hộp nối âm tường..

Với những công trình có số lượng đường dây, đường ống nhiều như khách sạn, trung tâm hội nghị,…người ta lắp trần hoặc sàn kỹ thuật vừa an toàn, vừa đảm bảo thẩm mỹ.

Một số công trình kết hợp lắp dây nổi và chìm, trong đó dây nổi đi trong trần kỹ thuật, phần đi trong tường lắp chìm.

Đặt dây dẫn điện trong nhà bằng thang cáp

Thang cáp là giá đỡ để lắp đặt cáp dưới dạng hở gồm hai thanh dọc chịu lực và các thanh ngang đỡ cáp có hình dạng như cái thang.

Thang cáp được chế tạo sẵn bằng tôn sơn tĩnh điện, mạ kẽm hoặc mạ kẽm nhúng nóng. Kích thước mỗi đơn vị thang khoảng 2,4÷3m và có thể ghép nối với nhau bằng bulon.

Thang được chế tạo với nhiều môđun khác nhau nên rất linh hoạt trong việc tạo hướng đi của cáp như các môđun: đi lên, đi xuống, rẽ ngang, mở rộng, thu hẹp,…

Thang cáp lắp trên trần bằng các thanh treo, lắp ngang trên tường bằng dầm consol, lắp đứng trên tường bằng bản lề 900. Định vị thanh treo bằng cách khoan và bắt vít nở.

Phạm vi ứng dụng của thang cáp là những công trình có số lượng cáp lớn như: siêu thị, khách sạn, trung tâm thương mại,…Với những công trình quy mô lớn, sử dụng thang cáp tiết kiệm 20-25% chi phí vật liệu và nhân công lắp đặt so với dùng ống luồn cáp, dễ bổ sung, thay thế hay sửa đổi, dễ quan sát trong quá trình vận hành.

Thang cáp sử dụng được khi khu vực lắp đặt không có va chạm cơ học, có yêu cầu thoát nhiệt cao, không yêu cầu nhiều về mặt thẩm mỹ. Nếu có yêu cầu cao hơn về an toàn và tính thẩm mỹ, có thể thay thế thang cáp bằng máng cáp với giá thành máng cáp đắt hơn 1,5 lần.

Đặt dây dẫn điện trong nhà bằng máng cáp, khay cáp

Máng cáp là hệ thống để lắp đặt cáp dưới dạng kín có nắp đậy. Máng cáp giống thang cáp nhưng an toàn hơn, gọn hơn và giá thành đắt hơn.

Máng cáp có 2 loại bao gồm loại có lỗ thoát nhiệt và loại kín hoàn toàn. Loại kín dùng cho hệ thống cáp ít tỏa nhiệt, loại có lỗ dùng cho hệ thống cáp tỏa nhiệt nhiều.

Máng cáp (trunking) thực tế thường chế tạo kín, đi trên trần giả nên đảm bảo mỹ quan, sử dụng cho hệ thống điện ít khi phải mở nắp trên ra. Máng cáp đắt hơn so với thang cáp.

Đi dây trong máng cáp
Hình ảnh: Đi dây trong máng cáp

Máng cáp cũng được lắp đặt bằng hệ thống thanh treo và giá đỡ:

Nếu máng cáp không sử dụng nắp phía trên thì nó được gọi là khay cáp (Cable tray). Thông thường khay cáp là loại có đột lỗ, dùng cho hệ thống điện có tỏa nhiệt nhiều, dễ dàng sửa chữa thêm bớt dây trên khay cáp. Do đột lỗ và không có nắp mà khay cáp nhẹ hơn và rẻ tiền hơn so với máng cáp.

Trên thị trường gần đây còn có loại máng cáp và khay cáp dạng lưới (Wire mesh tray) được sản xuất từ sợi thép đặc biệt có tính linh hoạt cao, có thể dễ dàng uốn cong theo nhiều chiều phù hợp với hướng rải dây cáp nên rất thuận lợi khi thi công. Ngoài ra nó có đặc điểm rất đặc biệt là khi vượt quá tải trọng cho phép nó võng xuống nhưng không bị gãy.

Kết luận

Trên đay là một vài hướng dẩn đi dây, trong thực tế khi thi công chúng ta cần rèn luyện nhiều kỹ năng lắp đặt và học thêm nhiều tiêu chuẩn cho công trình hoàng thiện chuẩn chỉ nhất. Nếu có thắc mắc bạn có thể phải hồi lại nhé!

Xem tiếp: