Phân loại theo quy mô sử dụng

Phụ tải nhỏ là phụ tải có công suất tác dụng P < 80kW. Công trình có quy mô phụ tải nhỏ chủ yếu là hộ gia đình bình thường, các doanh nghiệp nhỏ,….Nguồn điện cung cấp là các đường dây điện hạ áp ba pha 380V/220V của lưới điện công cộng do ngành điện đầu tư.

Phụ tải lớn là phụ tải có công suất tác dụng P ≥ 80kW. Công trình có quy mô phụ tải lớn là các cơ quan, công sở, trung tâm thương mại, chung cư,…Nguồn điện cung cấp cấp là các trạm biến áp hạ áp 22/0,4kV, 35/0,4kV,… do chủ đầu tư công trình bỏ vốn xây dựng và được tính vào giá thành đầu tư xây dựng toàn bộ công trình chính.

Phân loại theo chức năng sử dụng điện

Phụ tải điện chiếu sáng

Phụ tải điện chiếu sáng là loại phụ tải điện đặc trưng mà bất kỳ công trình xây dựng nào cũng bắt buộc phải có.

Đặc điểm của phụ tải này là khá thuần nhất, không đa dạng về chủng loại nên dễ tính toán công suất. Thực tế trong công trình xây dựng sử dụng các bóng đèn huỳnh quang cho chiếu sáng thông thường và các bóng đèn sợi đốt cho chiếu sáng sự cố.

Mạch điện cung cấp cho hệ thống chiếu sáng là một mạch điện độc lập với các mạch khác và được phân thành các mạch nhỏ hơn theo phạm vi quản lý:

  • Mạch chiếu sáng chung của công trình: hành lang, cầu thang, đường nội bộ, phòng quản lý,… đấu nối nguồn điện tại bảng điện phân phối đầu vào của công trình.
  • Mạch chiếu sáng riêng của từng căn hộ, từng phòng làm việc,… đấu nối nguồn điện tại bảng điện đầu vào của căn hộ hoặc phòng làm việc.

Phụ tải điện sinh hoạt

Đây là loại phụ tải tiêu thụ điện chủ yếu trong công trình xây dựng. Loại phụ tải này phục vụ cho con người trong quá trình làm việc và sinh hoạt hằng ngày như: điều hòa, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính, quạt điện,…

Đặc điểm của phụ tải là công suất nhỏ nhưng lại rất đa dạng về chủng loại cũng như quy luật làm việc do đó tính toán độ lớn của nó chính xác là việc rất khó khăn. Thực tế loại phụ tải này thường bao gồm:

  • Các động cơ không đồng bộ loại nhỏ (trong máy giặt, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ,…)
  • Các thiết bị điện tử (máy tính, máy in,…)
  • Các thiết bị nhiệt (lò vi sóng, máy sấy tóc, bàn là, nồi cơm điện,…)
  • Các ổ cắm điện phục vụ cho các thiết bị không xác định trước, thiết bị di động.

Thiết bị điện lắp trong phòng làm việc trong công sở, nhà ở dân cư, phòng ở khách sạn,… có những loại trên đều là những phụ tải điện sinh hoạt.

Mạch điện cung cấp cho phụ tải điện sinh hoạt là một mạch điện độc lập với các mạch khác và được đấu nối nguồn điện tại bảng điện đầu vào của căn hộ hoặc phòng làm việc.

Phụ tải điện của các thiết bị dùng chung

Đây là loại phụ tải chuyên dụng thường thấy trong các công trình lớn như công trình công cộng (trường đại học, siêu thị,…) hoặc nhà ở loại lớn (như khách sạn, chung cư,…)

Đặc điểm loại phụ tải này là sử dụng các loại động cơ không đồng bộ cỡ lớn (>5kW) và dải công suất biến đổi từ vài kW đến vài chục kW nên một số phụ tải yêu cầu cấp điện bằng nguồn điện 3 pha. Xác định độ lớn của phụ tải loại này phải căn cứ vào catologue của từng loại thiết bị cụ thể mới đảm bảo độ chính xác.

Thực tế ở các công trình xây dựng phụ tải này gồm các loại sau:

  • Thang máy, bơm nước, điều hòa trung tâm, thông gió, bơm nước cứu hỏa.
  • Thiết bị thí nghiệm đặc chủng.
  • Thiết bị chẩn đoán ở bệnh viện.

Mạch điện cung cấp cho phụ tải này là một mạch điện độc lập với các mạch khác và được đấu nối nguồn điện tại bảng điện đầu vào của công trình.

Kết luận

Qua bài viết trên thì chúng ta đã hiểu về phân loại phụ tải điện rồi phải không nào, nếu có thắc mắc gì các bạn có thể liên hệ mình qua email nhé. Chúc bạn thành công!

Đọc thêm: