Nhiệm vụ thiết kế chiếu sáng nội thất nói chung là chọn loại đèn, tính số lượng đèn, xác lập cách bố trí đèn và tính tổng quang thông do tất cả các đèn phát ra.
Về mặt lý thuyết, thiết kế chiếu sáng nội thất có 2 phương pháp:
- Phương pháp hệ số lợi dụng quang thông.
- Phương pháp điểm sáng.
Phương pháp hệ số lợi dụng quang thông dễ sử dụng, tính toán nhanh chóng và dùng được cho hầu hết các công trình xây dựng không cần độ chính xác cao. Phương pháp điểm sáng là phương pháp tính chính xác độ rọi tại từng điểm trên mặt làm việc nhưng khối lượng tính toán lớn (tùy vào số lượng điểm được chọn để tính), do đó người ta phải dùng phần mềm để tính.
Thiết kế chiếu sáng theo phương pháp hệ số lợi dụng quang thông gồm các nội dung sau:
Chọn độ rọi
Độ rọi E là thông số cần xác định đầu tiên trong thiết kế chiếu sáng nội thất. Độ rọi Emin được Nhà nước tiêu chuẩn hóa, làm cơ sở thiết kế chiếu sáng các công trình xây dựng. Tiêu chuẩn độ rọi trong công trình dân dụng đang áp dụng là QCVN12:2014/BXD. Theo quy định, bất kỳ điểm nào trên mặt làm việc (mặt cần chiếu sáng) đều phải đảm bảo E ≥ Emin. Bảng dưới đây trích một phần QCVN12:2014/BXD, nếu cần số liệu độ rọi của các công trình xây dựng khác thì xem trong Phụ lục 5 ở cuối chương này.
Lưu ý: ngoài QCVN12:2014/BXD, ở Việt Nam hiện nay vẫn có các tiêu chuẩn sau về chiếu sáng đang còn hiệu lực:
TCXDVN 7114-1:2008 “Ecgonomi – Chiếu sáng nơi làm việc – Phần trong nhà” là bản dịch của tiêu chuẩn ISO 8995-1:2002 có mức độ rọi cao hơn so với TCXD-16-1986.
TCXD-16-1986 về chiếu sáng nhân tạo bên trong công trình dân dụng.
Chọn bóng đèn
Thị trường có rất nhiều loại bóng đèn với mẫu mã, công suất, màu sắc và giá thành khác nhau. Tùy theo tính chất và mục đích công việc chúng ta chọn loại đèn khác nhau, tuy nhiên khi chọn phải tuân theo những nguyên tắc nhất định:
- Nhiệt độ màu của đèn phải tuân theo biểu đồ Kruithof
- Quang thông mà bóng đèn phát ra.
- Chỉ số thể hiện màu (tức độ trung thực của màu sắc). Với các phòng vẽ thì đây là vấn đề quan trọng vì màu của ánh sáng có thể làm biến đổi màu vẽ nên họa sĩ khó sáng tác. Đối với công trình xây dựng nói chung thì chỉ tiêu này không quan trọng lắm.
- Tính thẩm mỹ và sự phù hợp với kiến trúc công trình.
- Hiệu suất của đèn nên dùng các loại đèn có hiệu suất cao.
Thông số quang thông của bóng đèn là thông số đầu vào rất quan trọng khi tính toán chiếu sáng. Thông số này được nhà chế tạo công bố trong catologue của mỗi loại sản phẩm và có giá trị khác nhau tùy vào nhà sản xuất. Ở cuối chương này có các Phụ lục 1, 2, 3 là thông số bóng đèn do Công ty Rạng Đông sản xuất dùng để tham khảo ki làm bài tập (gồm đèn huỳnh quang, đèn compact và đèn dây tóc)
Đa số các trường hợp chiếu sáng nội thất đều dùng bóng đèn huỳnh quang hoặc đèn compact ánh sáng trắng xanh.
Chọn bộ đèn
Bộ đèn bao gồm máng đèn đã lắp bóng đèn, trong đó hình dáng và màu sắc máng đèn phải phù hợp với không gian kiến trúc công trình.
Về mặt kỹ thuật, bộ đèn phải được chọn đảm bảo hiệu suất cao nhất và có cấp phù hợp với nhu cầu của đối tượng chiếu sáng. Trong các cấp đèn từ A→T, mỗi loại chỉ phù hợp với một số đối tượng nào đó, ví dụ với phòng học ta phải chọn đèn chiếu tập trung (cấp A) vì chọn cấp đèn khác thì ánh sáng không tập trung lên bàn học.
Chọn bộ đèn phải căn cứ vào thông số chi tiết của nhà chế tạo công bố, nếu không có catologue thì có thể tham khảo bảng phân cấp và hiệu suất của bộ đèn (đã trình bày ở phần trên).