Mục lục
Cột điện
Cột điện dùng để giữ cho dây dẫn điện ở một độ cao nhất định so với mặt đất để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông đi dưới đường dây và đảm bảo khoảng cách cách điện của dây dẫn điện đối với mặt đất.
Phân loại cột điện
Phân loại cột điện theo công dụng
Cột điện trung gian đối với đường dây trên không, cột trung gian được dùng phổ biến nhất, ở vùng đồng bằng cột trung gian chiếm khoảng (80 ÷ 90)% tổng số cột trên toàn tuyến dây. Khi vận hành bình thường, các dây dẫn còn nguyên vẹn thì không có lực tác dụng lên cột theo dọc tuyến đường dây vì sức căng của dây dẫn ở hai phía cột bằng nhau. Vì vậy cột chịu lực tác dụng theo hướng thẳng đứng do trọng lượng của dây dẫn, dây chống sét, xà, sứ , phụ kiện, bản thân cột và lực ngang cột do gió tác dụng lên cột, dây dẫn, …
Cột điện góc được đặt tại vị trí đường dây rẽ theo hướng khác. Mức độ lực tác dụng lên cột phụ thuộc vào góc chuyển hướng a của đường dây. Nếu a lớn thì hợp lực P lớn ta phải tiến hành néo cột về phía ngược lại với hợp lực P, trong thực tế với đường dây trên không dùng cột bê tông người ta có thể néo cột hoặc dùng cột sắt hoặc bố trí hai cột ở vị trí cột góc.
Cột điện néo dùng để giữ chặt dây dẫn ở những vị trí đặc biệt của đường dây như ở cột đầu, cột cuối trong một khoảng néo của đường dây hay ở những chỗ giao nhau với công trình quan trọng khác. Khi vận hành bình thường, lực tác dụng lên cột néo cũng giống như cột trung gian. Cột néo có cấu tạo chắc chắn hơn cột trung gian nên được dùng làm điểm tựa để kéo dây khi thi công.
Cột điện hãm cuối được đặt sát trạm biến áp, chịu lực kéo dọc tuyến đường dây làm giảm nhẹ lực tác dụng của đường dây vào trạm biến.
Cột điện vượt được đặt ở những vị trí cột vượt qua đường giao thông, các công trình xây dựng hoặc giao chéo với các đường dây khác, cột vượt có chiều cao lớn hơn các cột khác trong tuyến dây và được gia cố vững chắc.
Cột điện hoán vị được đặt ở nơi hoán vị vị trí của dây dẫn, mục đích là để làm cho tổng trở của các pha đều nhau, điện áp và dòng điện trong lưới điện đối xứng, mỗi đường dây dài quá 30km thì phải đảo pha 2 lần. Nếu đường dây dài hơn thì có thể đảo pha nhiều lần.
Phân loại cột điện theo vật liệu chế tạo
Cột điện gỗ cách điện tốt, rễ tạo dáng nhưng có nhược điểm là chóng mục, độ bền kém. Vì vậy phải tẩm chất chống mối, sơn thường dùng trong mạng điện địa phương.
Cột điện bê tông cốt thép có loại cột ly tâm, cột chữ H, cột chữ K, tuổi thọ cao, chịu lực tốt, bền và tương đối rẻ tiền được sử dụng rộng rãi ở cấp điện áp đến 110 kV. Tuy nhiên nó có trọng lượng lớn nên rất khó khăn trong thi công xây lắp cũng như vận chuyển đi xa.
Cột điện thép chịu lực tốt, có thể chế tạo cột cao để làm cột vượt, chế tạo từng bộ phận rồi lắp ráp thành cột nên rất thuận tiện trong vận chuyển, xây lắp, được dùng ở lưới điện từ 110 kV trở lên và ở các vị trí cột néo, cột góc đường dây có điện áp nhỏ hơn 110 kV. Nhược điểm của loại cột này là giá thành cao, chi phí bảo quản và sơn chống gỉ lớn, vì thế các xà ngang treo sứ cách điện và bộ phận trên cùng của cột người ta thường chế tạo bằng thép không gỉ.
Các yêu cầu cơ bản đối với cột điện
- Đảm bảo chiều cao theo thiết kế cho từng tuyến đường dây, từng cấp điện áp.
- Đảm bảo độ bền cơ giới theo yêu cầu ở từng vị trí không bị phá hoại khi có tải trọng cơ giới tác dụng lên cột.
- Không bị phá hoại do môi trường xung quanh.
Hy vọng qua bài viết trên mang lại nhiều kiến thức về cột điện đến bạn. Chúc bạn thành công!
Đọc thêm:
- Điện áp bước là gì? điện áp tiếp xúc và điện áp cho phép là gì?
- Hậu quả của sét là gì? Các yêu cầu chống sét cho công trình?
- Công tác vận hành và nâng cao chất lượng điện?